Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Dạy tiếng Anh trong trường tiểu học: Khó từ cơ sở

Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" có nêu: Bắt đầu từ lớp 3 học môn ngoại ngữ bắt buộc.
Theo đó từ năm 2010 - 2011, triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015 - 2016 và đạt 100% vào năm 2018 - 2019. Thực hiện đề án này, Tiền Giang đã triển khai dạy ngoại ngữ ở bậc Tiểu học từ nhiều năm trước, tuy nhiên cùng với hiệu quả bước đầu vẫn còn khá nhiều điều đáng bàn...

Hiệu quả bước đầu
Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện tại, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã áp dụng việc dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh. Còn việc đưa tiếng Anh vào lớp 1 cũng diễn ra trên hầu hết các trường từ năm học 2006 - 2007. Để thực hiện tốt việc giảng dạy, chúng tôi đã điều động những giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên về các trường tiểu học giảng dạy. Các giáo viên này cũng đã phải trải qua các lớp tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm "cập nhật" kiến thức.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời lượng dạy tiếng Anh cho các em học sinh tiểu học (TH) tại các trường là 2 tiết/tuần, giáo trình và tài liệu chủ yếu là Let"s Go. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế của đơn vị mà bố trí các phương pháp dạy cho phù hợp. Theo đánh giá ban đầu, các trường TH như: Nhị Mỹ, Trừ Văn Thố 2 (Cai Lậy), Bình Nhì 2, Vĩnh Bình 2 (Gò Công Tây), Tân Hoà 1 (Gò Công Đông), Phường 1 (Thị xã Gò Công), Tân Hiệp (Châu Thành), Nguyễn Huệ (Mỹ Tho)... được xem là có kết quả tốt. Các trường này có nhiều thuận lợi về mặt cơ sở vật chất, giáo viên và cả mặt bằng học sinh. Cô Huỳnh Mỹ Hòa, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Huệ cho biết: "Chúng tôi có 2 giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Anh có trình độ cao đẳng. Các cô cũng đang học đại học chuyên ngành này để nâng cao trình độ. Mỗi tiết dạy, các cô còn trang bị băng, đĩa, hình ảnh... có phương pháp dạy riêng dành cho từng lớp, từng trình độ và có nhiều cách làm cho mỗi tiết học trở thành những bài học sinh động."



Được biết, Trường TH Nguyễn Huệ hiện có 29 lớp, mỗi lớp được học tiếng Anh 2 tiết/tuần. Công tác kiểm tra, đánh giá năng lực học ngoại ngữ của các em luôn được nhà trường quan tâm. Các cô cố gắng giảng dạy cho các em với trách nhiệm cao nhất để các em có thể hoàn thành chương trình học.

Khó từ cơ sở
Đến nay, hầu hết các trường đã triển khai trên 100% số lớp học tiếng anh 2 tiết/tuần (trừ một số trường của Gò Công Đông và Tân Phú Đông). Tuy nhiên, tình trạng "dạy chay, học chay" khi chưa được bố trí hoặc chưa xây dựng được phòng học tiếng Anh riêng mà phải học trong phòng học bình thường. Ngoài một số tranh, ảnh, băng tiếng anh... nhằm phục vụ bài học, hầu như không có trường nào còn một hình thức hỗ trợ nào khác. Vì vậy, giáo viên chỉ có thể bố trí cho các em xem tranh, ảnh, một số hiện vật và nghe băng chứ chưa thể bố trí cho các em xem băng hình hay tổ chức một số hoạt động mang tính đặc thù của bộ môn. Vì thế, tuy giáo viên có cố gắng để truyền tải đến các em những nội dung cần thiết nhưng kết quả còn hạn chế.
Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nếu theo giáo trình Let"s Go thì rất thuận lợi vì có đủ băng hình, dễ học, phù hợp với nhiều đối tượng. Song song thực tế, nếu chỉ triển khai chương trình vì... thiếu đủ thứ. "Không có máy chiếu, màn hình thì lấy gì mà nghe với xem" - một giáo viên bày tỏ.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay là vấn đề biên chế. Hiện tại, ở cấp TH chỉ có 160 giáo viên môn tiếng Anh có biên chế, trong khi đó có đến 227 trường TH. Như vậy, có nghĩa là bình quân mỗi trường chỉ có hơn 1 giáo viên tiếng Anh. Như vậy, những trường còn lại sẽ rơi vào cảnh không sao bố trí được giáo viên mặc dù rất cần.
Thầy Nguyễn Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường TH An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo) cho biết: "Trường hiện có 12 lớp. Từ mấy năm nay trường đã cho các em học theo yêu cầu của Sở. Tuy nhiên, do chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh nên khối 1 năm nay các em không được học".
Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) cho biết: Hiện tại, trường có 32 lớp nhưng chỉ có 1 biên chế dành cho giáo viên tiếng Anh. Theo quy định, mỗi giáo viên chỉ có 23 tiết, vì thế nên khó triển khai việc dạy tiếng Anh ở toàn bộ các khối lớp. Trường đã chọn giải pháp là dạy theo kiểu "cuốn chiếu", theo đó, giáo viên dạy tiếng Anh sẽ "theo" học sinh của mình từ lớp 1 đến hết lớp 5, bắt đầu từ toàn bộ học sinh khối 1. Như vậy, những học sinh "top sau" sẽ không có môn tự chọn tiếng Anh. Hiện tại, chỉ có 7 lớp khối 3 và 6 lớp khối 4 của trường có môn tự chọn tiếng Anh.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh trong trường TH, Sở đã cho phép xây dựng kế hoạch mở, nếu trường không có giáo viên riêng thì có thể liên kết với các trường THCS trên địa bàn để thỉnh giảng. Tuy nhiên, nhiều trường TH đã không thể thực hiện được kế hoạch này do... không có biên chế. Mặt khác, trình độ học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả dạy tiếng Anh tại các trường TH. Theo yêu cầu của tiếng Anh tự chọn, học sinh chủ yếu học để biết; nhưng nếu theo yêu cầu mới, học sinh học hết chương trình lớp 3 phải đạt được các khả năng: nghe, nói, viết và đọc thì học sinh khó mà đạt được.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp thu của học sinh còn chênh lệch và không ít phụ huynh lẫn học sinh vẫn chưa quan tâm đến môn học này. Mặt khác, học sinh mới chỉ học trên lớp là chính, chứ ít được thực hành bên ngoài. Thầy Lê Nam Sơn, giáo viên Anh văn Trường TH An Thạnh Thủy cho biết: "Tôi đã dạy môn tiếng Anh tại trường khoảng 5 năm. Tuy yêu cầu của tiếng Anh tự chọn chỉ dừng lại ở việc yêu cầu tập cho học sinh làm quen với tiếng Anh, rèn kỹ năng nghe, nói nhưng xem ra yêu cầu này vẫn khó. Bởi, trong 1 lớp chỉ khoảng 10 - 20% là các em nghe và có thể nói tốt, còn lại các em vẫn còn chậm". Theo thầy Sơn, học sinh tiểu học tiếp thu rất nhanh mà mau quên. Vì thế, phải nói đi nói lại các em mới "thấm" được - đó là chưa kể việc các em không có điều kiện tập luyện khi rời lớp về nhà...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét